Tụt huyết áp tư thế là tình trạng huyết áp thấp đột ngột khi thay đổi tư thế từ ngồi, nằm chuyển sang đứng. Tụt huyết áp tư thế có thể nhẹ và thoáng qua vài phút. Tuy nhiên, nếu tụt huyết áp tư thế kéo dài thì đó là vấn đề nghiêm trọng.

Triệu chứng

Triệu chứng hay gặp là hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột từ ngồi hay nằm sang đứng. Những triệu chứng thường kéo dài vài phút. Những dấu hiệu của tụt huyết áp tư thế bao gồm:

• Cảm giác hoa mắt hay chóng mặt khi đứng dậy.

• Nhìn mờ.

• Cảm giác yếu và muốn xỉu.

• Giảm khả năng nhận thức.

• Buồn nôn.

Nguyên nhân?

Khi đứng dậy, theo trọng lực máu sẽ bị ứ và tụ lại ở chân và bụng. Điều này làm giảm huyết áp vì lượng máu về tim ít hơn.

Một số nguyên nhân khác gây tụt huyết áp tư thế bao gồm:

• Mất nước: sốt, nôn ói, uống không đủ nước, tiêu chảy, tập luyện thể dục gắng sức nhiều… gây mất nước và làm giảm thể tích máu. Mất nước nhẹ có thể gây các triệu chứng của tụt huyết áp tư thế như mệt mỏi, chóng mặt và yếu ớt.

• Bệnh lý tim: một số bệnh lý tim có thể gây huyết áp thấp như tim đập chậm kéo dài, tim ngưng đập từng lúc, bệnh lý van tim, suy tim… Các bệnh lý tim này làm mất khả năng đáp ứng tăng nhịp và bơm đủ máu khi cơ thể đứng dậy.

• Bệnh lý nội tiết: bệnh lý tuyến giáp trạng, suy thượng thận và hạ đường huyết có thể gây ra tụt huyết áp tư thế. Bệnh đái tháo đường lâu ngày có thể làm hư hại các dây thần kinh đảm nhận việc truyền tín hiệu giúp điều hoà huyết áp.

• Các rối loạn hệ dẫn truyền thần kinh: một số rối loạn dẫn truyền hệ thần kinh như bệnh Parkinson, teo cơ hệ thống, sa sút trí tuệ thể Lewy, tổn thương hệ thần kinh tự chủ… gây khó khăn cho hệ thống thần kinh trong việc điều hoà huyết áp của cơ thể.

• Sau các bữa ăn: một số trường hợp bị giảm huyết áp sau các bữa ăn no (tụt huyết áp sau ăn). Điều này hay gặp ở những người lớn tuổi.

Các yếu tố nguy cơ?

– Tuổi: Tụt huyết áp tư thế hay gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi. Các thụ cảm áp lực giúp điều hoà huyết áp bị hư hại theo tuổi, vì vậy ở những người lớn tuổi việc điều hoà tần số tim nhanh hơn và bù đắp lại lại việc giảm huyết áp tư thế gặp khó khăn.

– Thuốc uống: bao gồm các thuốc điều trị huyết áp, bệnh lý tim mạch, bệnh lý phì đại tiền liệt tuyến hay các thuốc khác có ảnh hưởng đến hệ thần kinh như thuốc chống trầm cảm, tâm thần kinh, thuốc giãn cơ, thuốc điều trị rối loạn cương, bệnh lý tiền liệt tuyến phì đại.

– Một số bệnh tim và thần kinh: rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh van tim nặng, các rối loạn hệ thống dẫn truyền thần kinh như bệnh Parkinson, các bệnh làm tổn hại hệ thần kinh như bệnh đái tháo đường.

– Tiếp xúc nóng nhiệt: môi trường xung quanh nóng có thể gây đổ mồ hôi và gây mất nước, làm giảm huyết áp và gây tụt huyết áp.

– Nằm lâu trên giường: khi nằm trên giường lâu ngày do bệnh, bệnh nhân trở nên yếu hơn và khi cố gắng đứng dậy, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp tư thế.

– Có thai: thể tích máu tăng khi có thai và có xu hướng giãn mạch nhẹ trong tam cá nguyệt đầu, vì vậy huyết áp có thể giảm nhẹ. Huyết áp sẽ bình thường vào các tam cá nguyệt sau và sau sinh.

– Chất uống có cồn: uống nhiều bia, rượu làm tăng nguy cơ tụt huyết áp tư thế.

Các biến chứng của tụt huyết áp tư thế?

Tụt huyết áp tư thế kéo dài có thể gây ra các biến chứng nặng nề, đặc biệt ở các bệnh nhân lớn tuổi. Các biến chứng này bao gồm:

• Té ngã: là hậu quả của xỉu hay ngất, hay gặp ở những người có tụt huyết áp tư thế. Té ngã dẫn đến nguy cơ gãy xương, đặc biệt ở những người cao tuổi.

• Đột quỵ: sự thay đổi huyết áp khi đứng và ngồi có thể là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ do giảm lưu lượng máu đến não.

• Các bệnh lý tim mạch: tụt huyết áp tư thế có thể là yếu tố nguy cơ của những bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim (xảy ra từng lúc), suy tim, bệnh van tim nặng…

Vậy khi nào thì cần gặp bác sĩ?

– Nếu những triệu chứng thường xuyên xảy ra, cần thiết đi gặp bác sĩ để được khám, tư vấn và tìm thêm những nguyên nhân khác, đặc biệt nếu bạn có thêm triệu chứng mất khả năng nhận thức thoáng qua.

– Bạn cần biết và nhớ các triệu chứng của mình khi xảy ra như bạn đang làm gì và triệu chứng kéo dài bao lâu. Nếu điều này xảy ra vào những thời diểm nguy hiểm như đang lái xe, thì hãy sớm gặp bác sĩ để được khám và điều trị.

Chẩn đoán

Một số xét nghiệm, phương pháp cần làm khi có tụt huyết áp tư thế như:

• Theo dõi huyết áp: Đo huyết áp tư thế ngồi và tư thế đứng. Chẩn đoán tụt huyết áp tư thế khi có sự giảm huyết áp tâm thu > 20 mmHg hoặc huyết áp tâm trương > 10 mmHg sau đứng.

• Kiểm tra máu: bao gồm kiểm tra đường huyết (hạ đường huyết), xét nghiệm hồng cầu trong máu (tình trạng thiếu máu giảm hồng cầu hay tăng hồng cầu gây cô đặc máu).

• Đo điện tim đồ: Bao gồm đo điện tim đồ 12 chuyển đạo hay máy Holter ECG 24 giờ, 48 hay 72 giờ. Một số trường hợp có thể phải cấy máy theo dõi rối loạn nhịp tim nhằm giúp theo dõi các trường hợp nặng như xỉu hay ngất xảy ra từng lúc mà chưa rõ nguyên nhân.

• Siêu âm tim: nhằm phát hiện bệnh lý suy tim, van tim cũng như bệnh lý cơ tim… các bệnh lý tim cấu trúc, thực thể gây giảm khả năng của tim trong việc duy trì cung lượng tim hiệu quả.

• Kiểm tra mức gắng sức của cơ thể: Bằng điện tâm đồ gắng sức hay siêu âm tim gắng sức.

• Nghiệm pháp bàn nghiêng: Nhằm đánh giá đáp ứng của cơ thể với các thay đổi tư thế.

• Nghiệm pháp Valsava: Nhằm đánh giá chức năng của hệ thần kinh tự chủ trong việc điều tiết nhịp tim và huyết áp.

Điều trị tụt huyết áp tư thế bao gồm

– Thay đổi lối sống: bao gồm uống đủ nước, uống ít hay không dùng chất có cồn, tránh tiếp xúc nhiệt cao, nâng cao đầu giường, tránh bắt chéo chân khi ngồi, và đứng dậy chầm chậm.

Tùy theo mức huyết áp mà bác sĩ có thể đề cập đến việc ăn mặn hơn nhằm nâng mức huyết áp cao vừa phải. Nếu huyết áp giảm sau ăn, nên ăn nhiều bữa nhỏ và ít chất bột trong ngày.

– Mang vớ chân có áp lực: Giúp giảm việc ứ máu ở chân và giảm các triệu chứng của tụt huyết áp tư thế.

– Thuốc: nhiều loại thuốc, có thể sử dụng riêng lẻ hay phối hợp, giúp điều trị tụt huyết áp tư thế. Khi huyết áp thấp do thuốc, việc điều trị là thay đổi liều thuốc hay ngưng việc sử dụng thuốc và cần báo với bác sĩ điều trị để giúp bạn điều chỉnh thuốc tốt hơn.

– Đặc biệt nếu bệnh nhân tụt huyết áp tư thế có kèm rối loạn nhịp tim chậm do ảnh hưởng của hệ thần kinh thì vấn đề điều trị bằng cách cấy máy tạo nhịp được đặt ra để giúp bệnh nhân tránh bị tụt huyết áp nặng nề do vấn đề rối loạn nhịp tim chậm.

Theo khoe24h