“Mỗi cuộc ly hôn khai tử một nền văn minh nhỏ bé riêng tư của mỗi người” (nhà văn Pat Convoy). Ly hôn, khái niệm từng là nỗi ám ảnh của biết bao người, bao gia đình. Nó chứa đựng những nỗi đau đớn của chia lìa, mất mát, tổn thương.

Thật khó có thể diễn tả trọn vẹn những cung bậc cảm xúc của người trong cuộc, từ thương yêu tới giận dỗi, nghi ngờ, đau đớn, dằn vặt, thao thức, tủi hờn, bực tức căm hận và cô đơn,… Đa số người vợ, người chồng sau ly hôn đều có tình trạng tâm lý cá nhân bất ổn. Vậy những người trong cuộc phải làm gì và làm sao để bước qua vùng tối của LY HÔN?

Thường khi chúng ta hay nghĩ rằng ly hôn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tức thì đến chồng, vợ và con. Nhưng thật ra, những hệ lụy lâu dài như là những thay đổi về THÁI ĐỘ, NHẬN THỨC BẢN THÂN, CẢM XÚC còn sâu xa và khó chữa lành. Nó ảnh hưởng không chỉ một mà nhiều thế hệ con cái chúng ta.

Người đàn ông bước qua đổ vỡ bằng cách nào? Họ làm gì khi đối diện với đổ vỡ trong hôn nhân của mình?

Tùy theo tính cách và suy nghĩ của mỗi người, sẽ có cách hành xử khác nhau, nhưng đa số đàn ông sẽ suy sụp, hụt hẫng, cảm giác mất mát, trống rỗng và bất lực. Đàn ông được cho là phái mạnh, nhưng kỳ thực, trước những biến cố liên quan đến người thân, gia đình, họ “yếu đuối” một cách thảm hại. Gia đình – nó như điểm tử huyệt của họ, cái thành trì mà vì nó người đàn ông ra ngoài chiến đấu không mệt mỏi, là động lực để họ sống và làm, phấn đấu để đạt những thành tựu, giúp hoàn thiện những tham vọng, ước muốn và khát khao – nơi họ cần có để chứng tỏ cái chất “trụ cột, bậc nam tử hán” của mình.

Vậy mà giờ đây cái thành trì ấy đã sụp đổ và sẽ vô cùng khó khăn để vượt qua. Giờ đây, bên cạnh cảm giác trắng tay, đàn ông sẽ yếu đuối theo cách của mình, có người thì lao vào men rượu, người thì rơi vào vòng tay tình nhân, có người thì làm việc như điên, miễn sao tạm quên “nỗi đau muộn màng”.

Nhưng vết thương sâu đến nỗi, quật ngã anh ta một cách không ngờ. Ly hôn đã trở thành một chấn thương tâm lý nghiêm trọng đến khủng khiếp. Nhiều cặp đôi vẫn tưởng rằng sau ly hôn sẽ thấy thoải mái, cảm giác nhẹ nhõm vì được giải thoát khỏi rắc rối, và thời gian sẽ hàn gắn mọi nỗi đau, vết thương lòng sẽ lành miệng. Nhưng không, thời gian để bình ổn lại sau ly hôn của đàn ông ít nhất là hai năm rưỡi (Nghiên cứu của Mỹ – Ly dị, cơ may và nỗi đau – Judith.S Wallerstein). Tuy nhiên, đó chỉ là sự ổn định bên ngoài, những chấn thương tâm lý bên trong nội tâm vẫn âm thầm sưng tấy. Lời đề nghị của chúng tôi vẫn là cần sự chữa lành từ các nhà chuyên môn tâm lý.

Còn nỗi đau của người phụ nữ trong bao lâu?

Phụ nữ thì nỗi đau âm ỉ ít nhất cũng 3 năm rưỡi (Nghiên cứu của Mỹ – Ly dị, cơ may và nỗi đau – Judith.S Wallerstein). Và điều này cũng còn tùy chúng ta đang nói đến người phụ nữ của thập niên nào.

Nếu phụ nữ thời đại 8X, 9X về sau, thì ly dị và những điều diễn ra bên trong họ khác phụ nữ thời 7X trở về trước. Họ chủ động và ý thức rõ việc họ làm, họ muốn gì, sống cuộc đời như thế nào? Mặc dù xã hội mặc định xem phụ nữ là phái yếu, nhưng kỳ thực, đứng trước những biến cố nghiệt ngã nhất trong cuộc đời, như chia lìa đôi lứa, bệnh tật hiểm nghèo,… họ trở nên mạnh mẽ, cứng cỏi, bản lĩnh và sức chịu đựng phi thường,… Mặc dù nỗi đau trong họ kéo dài hơn người đàn ông, nhưng khả năng phục hồi và tự điều chỉnh lại cuộc sống của họ nhanh hơn đàn ông.

Cho dù thế nào thì ly hôn là nước cuối cùng trong mọi cách, người phụ nữ xoay xở hết mức có thể để giữ cha lại cho con, giữ chồng cho mình, khi chưa có gia đình họ mạnh mẽ và kiêu hãnh bao nhiêu thì khi có con cái, đối mặt với ly hôn, họ trở nên yếu đuối, lệ thuộc, níu kéo và cầu cạnh người đàn ông của họ bấy nhiêu.

Một điều rất phổ biến làm nên bi kịch trong đời sống của người phụ nữ Việt Nam sau ly hôn là phải TỰ NUÔI CON MỘT MÌNH, cả mọi nghĩa, phần đông họ không có sự hỗ trợ tài chánh lẫn sự quan tâm chăm sóc con cái từ người chồng. Họ mắc kẹt với cuộc vật lộn mưu sinh để nuôi nấng dạy dỗ các con. Đây cũng là nguyên nhân kéo theo sự bế tắc của họ trong việc MƯU CẦU HẠNH PHÚC riêng tư, việc tìm kiếm cho bản thân một CƠ HỘI THỨ 2 bất khả thi, bởi không dưng người đàn ông nào đến với người mẹ đơn thân lúc này lại trở thành nhà tài trợ chính cho “nàng” nuôi con – điều buộc mọi người đàn ông phải cân nhắc rất nhiều. Vậy là con đường tìm kiếm hạnh phúc của người phụ nữ sau ly hôn thật chông chênh, hiếm hoi và có khi là vô vọng.

Đó là nói những vụ ly hôn khá êm đềm bình thường, còn có những vụ ly hôn “ầm ĩ” của không chỉ người trong cuộc mà kéo theo sự giận dữ, oán hờn của cả hai dòng tộc hoặc cả xã hội đều quan tâm.

Rồi còn một đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đó chính là các con. Các con sẽ bị sang chấn tâm lý nếu cuộc ly hôn cứ dằng co, con cái cảm thấy rất cô đơn. Cha mẹ ly hôn là một trải nghiệm thật khủng khiếp, rất đau đớn, mà con cái phải vượt qua với tâm trạng hoàn toàn cô độc.

Những sang chấn tâm lý trong gia đình ly hôn

Ly hôn dễ làm cho người ta lầm lẫn, nó chỉ là vấn đề của phương diện xã hội hay pháp lý, nó có vẻ do từng biến cố riêng lẻ. Nhưng về phương diện tâm lý, đó lại là một chuỗi các biến cố, một chuỗi vô tận các mối quan hệ, nó phá vỡ và tái cấu trúc các quan hệ, thay đổi tận gốc rễ, một sự thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của nhiều người liên quan. Giải quyết bài toán ly hôn cách nào cho ít hệ lụy nhất, luôn là câu hỏi đặt ra trong tình trạng ly hôn tăng vùn vụt như hiện nay?

Làm cách nào để hạn chế ly hôn?

Tiền hôn nhân: Nâng cao nhận thức cho bạn trẻ đang yêu về kiến thức cần có trong giai đoạn tiền hôn nhân, giúp cho các bạn có hiểu biết về đời sống hôn nhân, cách làm vợ làm chồng, những ứng xử với nhau, trong cả đời sống tình dục và tiền bạc,…

Luôn phát triển bản thân: Để giữ lòng kính trọng và tôn quý nhau giữa vợ chồng, mỗi người phải liên tục học hỏi, làm mới không chỉ kiến thức kinh nghiệm để có những vị thế ổn định trong nghề nghiệp mà còn cả việc nuôi dưỡng và làm mới cảm xúc cho nhau.

Cân bằng đời sống công việc và gia đình: Rất ý thức về việc đầu tư thời gian quan tâm chăm sóc các thành viên gia đình.

Đối với những cặp đôi đã rơi vào tình trạng ly hôn, thì việc đối xử với nhau và với các con là điều quan trọng nhất. Mặc dù cam kết hôn nhân của cha mẹ không giữ được, nhưng đối với con cái, cha mẹ chúng vẫn chính là các bạn, không ai có thể thay thế vị trí thiêng liêng và trách nhiệm nuôi dạy yêu thương vô điều kiện của cha mẹ được.

Cho nên, cha mẹ khôn ngoan nếu có chia tay, nên giữ lòng kính trọng, ứng xử nhau trên tình bạn, cùng hợp tác nhau trong trách nhiệm dạy dỗ nuôi nấng con cái. Hãy mở lòng tha thứ cho nhau, mong nhau được sống vui vẻ, hạnh phúc, không nên oán trách thù hận, cấm cửa người cha không cho cơ hội chăm sóc thăm nom con cái,… Điều đó chỉ làm tổn thương sâu sắc cho tất cả mà thôi.

Theo khoe24h