Nhiều trường đại học Y Dược ở châu Âu đúng là có lý khi “nâng cấp” bệnh do stress thành một khoa hẳn hoi sau khi thầy thuốc không còn nghi ngờ vai trò đòn bẩy của stress trong nhiều bệnh chứng nghiêm trọng.

Xem thường sao được, khi từ đau đầu kinh niên bước qua suy nhược thần kinh cho đến cao huyết áp, đều có bàn tay phá hoại ngấm ngầm của stress. Do tác động của adrenalin, nội tiết tố bao giờ cũng được phóng thích đến mức độ thặng dư trong tình huống căng thẳng, nạn nhân của stress khó tránh nhiều hậu quả như tăng dần huyết áp, rối loạn nhịp tim, rối loạn tiêu hóa, tăng đường huyết, tăng mỡ máu, rối loạn tiền đình, yếu sinh lý,… Họa bao giờ cũng vô đơn chí, nên nạn nhân của stress khó tránh nhiều mặt giáp công trong khi thầy thuốc vẫn còn lúng túng vì dù đã xoay trở đủ kiểu, khi thì với sinh tố này, lúc với khoáng tố kia, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào gọi là ăn chắc trong cuộc chiến đối đầu với stress!

Đáng tiếc vì đa số các nhà nghiên cứu có lẽ vì quá tập trung vào chuyện lên non tìm thuốc hiếm, nên quên giải pháp nhiều khi rất gần. Giáo sư Wartburton ở đại học London, chuyên gia về liệu pháp tác động trên trục tâm-thần kinh, đã công bố một kết quả gây nhiều ngạc nhiên lẫn hứng thú trong ngành y. Đó là tác dụng hóa giải stress của giờ giải lao nếu người nghỉ giữa giờ có cơ hội “ngồi lê đôi mách” về chuyện tầm phào vô bổ vô hại bên tách trà, miếng bánh. Quan trọng là “bà tám” về chuyện thời sự nhưng đừng hình sự, chuyện gì cũng được miễn là có dịp cười hả hê, chứ đừng mang nỗi cay đắng trở vào phòng làm việc.

Nếu tưởng đây chỉ là phỏng đoán theo kiểu tin khí tượng “không nắng ắt mưa” thì lầm! Dữ liệu thống kê của Wartburton đã được đúc kết từ công trình nghiên cứu với hơn 50.000 đối tượng từ nhiều công ty ở 16 nước châu Âu. Wartburton qua đó đã chứng minh là thuốc chống stress đắt tiền cách mấy vẫn thua xa mâm trà bánh giữa giờ, cho dù chỉ với trà bình dân, bánh rẻ tiền vì thuốc quyết định cho tác dụng khử stress chính là nước … bọt!

Để giải thích cho tác dụng tuyệt vời của giờ giải lao, còn có nghĩa là giải trí cho người lao tâm, để sau đó tiếp tục lao động, Wartburton đã chứng minh là không chỉ huyết áp mà ngay cả chức năng tư duy của nhóm có bánh kẹo trà cà-phê giữa giờ, được cải thiện thấy rõ nếu so với nhóm không được nghỉ, hay tuy có nghỉ nhưng không được tán gẫu chuyện thiên hạ. Rõ hơn nữa là số ngày nghỉ việc trong năm vì bệnh của nhóm “bà tám” chỉ bằng 1/3 số ngày vắng mặt của nhóm đối chứng không có giờ tán gẫu chuyện trời trăng mây nước! Mất chút giờ để “tám” nhưng rồi tăng năng suất còn muốn gì hơn!

Biết bệnh biết ta mới mong thủ huề. Muốn ngăn chặn stress đúng lúc phải biết đã xì-trết đến thế nào? Cũng theo Wartburton, một trong các tiêu chí đơn giản để nhận ra mình đã nằm gọn trong tầm nhắm của stress, chính là cảm giác mỏi sau gáy trong lúc làm việc. Khi đó nên mạnh dạn bước vào giờ giải lao cho dù trọng tài chưa thổi còi hết hiệp. Wartburton cũng vì thế cổ động cho hình thức nghỉ giửa giờ tối thiểu hai lần trong suốt buổi làm việc, mỗi lần không dưới 15 phút, tất nhiên lâu hơn chút càng hay, nhưng đừng quá 30 phút vì khi đó câu chuyện tào lao lại trở thành … stress! Nhà nghiên cứu ở Anh đã dẫn chứng là “chủ” không thiệt hại gì hết, nếu cho “thợ” nghỉ thường như thế, vì nếu tính toán chi li vẫn tránh được cảnh nhân viên thay nhau nghỉ bệnh vì nay người đau, mai người kia yếu. Đó là chưa kể đến chuyện nhân viên tuy có mặt đủ giờ nhưng với phong cách làm việc theo kiểu “thấy vậy nhưng không phải vậy”, hoặc “nhanh nhẩu đoảng”, hoặc “ngu gì mà làm!”.

Ai bảo “tám” là sai. Tương tự như thuốc, đúng sai, hay dở, tùy theo liều lượng. Nhờ khéo “tám” mà ít gặp thầy thuốc trong thời buổi giá thuốc như pháo thăng thiên còn gì khéo hơn?!.

Theo khoe24h