Giáo dục con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, việc này cũng không quá khó khăn khi bố mẹ hiểu được “sức nặng” của những câu nói hàng ngày đối với sự hình thành nhân cách của trẻ sau này.

Tâm lý trẻ từ lúc nhỏ đến lớn luôn có nhiều thay đổi qua từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, những tác động từ bố mẹ trong khoảng thời gian này rất lớn, kể cả trong sinh hoạt và lời nói hàng ngày. Vì thế, để giáo dục con cái nên người, bố mẹ cần phải để ý đến hình tượng của bản thân rất nhiều. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bố mẹ thường xuyên nói với con những câu sau đây hàng ngày sẽ giúp trẻ trở nên mạnh mẽ, tự tin, thông minh và tốt bụng hơn.

“Chúng ta cùng nhau dọn dẹp nhé!”

Khi bạn tỏ ra tức giận và quát tháo “Nếu con không dọn sạch chỗ đồ chơi này, mẹ sẽ vứt nó đi hết” sẽ làm trẻ hoảng sợ và trở nên rụt rè hơn, quan trọng hơn, trẻ cũng không biết ý nghĩa của việc ngăn nắp như thế nào. Thay vì vậy, bạn hãy giữ bình tĩnh và nói với con: “Không sao đâu, chúng ta cùng nhau dọn dẹp nhé!”.

nói với con

Qua những hành vi chưa tốt, trẻ sẽ dần ý thức được thái độ của bản thân hơn, về những thái độ đúng và thấu hiểu được tình cảm của bố mẹ. Bằng cách này, các bậc phụ huynh có thể giúp con yêu phát triển tâm lý lành mạnh.

Thường xuyên nói với con “Bố/mẹ yêu con”

Câu nói “Bố/mẹ yêu con” mang lại tác dụng rất thần kỳ đối với sự phát triển tích cực của trẻ. Đồng thời, khi nói với con những từ ngữ này, một điều rất quan trọng bạn không được quên, đó là thường xuyên thực hiện những hành động đi kèm như ôm, hôn con hoặc dành thời gian chơi đùa cùng con. Bạn cũng có thể thường xuyên cười nói và thảo luận những vấn đề của con, chẳng hạn như những chuyện trên trường, về đồ chơi, về chương trình hoạt hình yêu thích hoặc giúp đỡ trẻ nếu con cần.

“Con đã làm tốt lắm rồi”

Thay vì cứ mãi chỉ trích và đưa ra những so sánh làm tổn thương trẻ như “Có 9 điểm mà con cũng khoe, bạn bè ai cũng được 10 kìa”, hãy nói nhiều hơn với trẻ những câu nói mang tính khích lệ như “Con đã làm tốt hơn lần trước rồi”, “Ai lại dọn giường khéo thế này”, “Con biết cố gắng như thế là rất giỏi rồi, lần sau kết quả nhất định sẽ tốt hơn”…

Những câu nói này sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự ủng hộ và niềm tin của bố mẹ vào những việc mà chúng đã làm. Bất kỳ lời nói động viên, khích lệ nào cũng sẽ mang đến sự dễ chịu và nâng cao cảm xúc tích cực cho con, con biết được hướng đi, việc làm của mình là đúng đắn và thường xuyên lặp lại những hành vi tốt đẹp đó.

“Can đảm” nói với con lời xin lỗi

Việc bố mẹ làm gương cho con trẻ là điều rất nên làm. Vì thế, muốn con ngoan ngoãn tự giác nhận lỗi mỗi khi trẻ làm sai điều gì đó, bố mẹ cũng nên thành thật và nói với con lời xin lỗi khi đã mắng oan trẻ. Một số phụ huynh vì giữ sĩ diện, không muốn mất mặt trước con cái nên đôi khi đã cố “biến trắng thành đen”, điều này vô tình tạo nên một “bóng ma” trong lòng trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng và có xu hướng nói dối, chối bỏ trách nhiệm hoặc tìm mọi cách để che lấp sai lầm của mình như “gương” của bố mẹ.

nói với con

“Chúng ta sẽ mua lại sau nhé!”

Có thể khi bạn tức giận, không kiểm soát mà mắng hay đánh con khi trẻ làm mất đồ. Tuy nhiên, bạn không nên nói những câu như “Nín ngay đi. Chính con làm mất đồ chơi, khóc lóc cái gì”, “Oan ức lắm hay gì mà khóc”, “Yên lặng và ra chỗ khác ngay”… Tâm lý của trẻ con rất đơn giản và mong manh, một đứa trẻ luôn có quyền được bộc lộ sự tức giận, đau buồn và khóc.

Có thể con khóc vì bạn đánh đau hoặc hoảng sợ vì thấy bạn tức giận, đây là những cảm xúc tâm lý rất đỗi bình thường. Thay vì đưa ra một lệnh cấm tiêu cực, buộc con không được bộc lộ cảm xúc của mình, bạn hãy để trẻ khóc và đi chỗ khác, đợi khi trẻ bình tĩnh lại và dạy con biết cách diễn đạt cảm xúc của mình tốt hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ có thời gian để bình tĩnh và nhận ra thái độ lúc tức giận vừa rồi của mình có tốt hay không đối với cảm xúc của một đứa trẻ mà rút kinh nghiệm cho lần sau.

Nói với con “Mỗi khi như thế, bố sẽ…” 

Bất kỳ ai trên đời này cũng sẽ có những nỗi sợ hãi riêng, nhưng nếu chiến thắng được bản thân, họ sẽ vượt qua nó dễ dàng. Tuy nhiên có một số phụ huynh đã đánh giá thấp nỗi sợ của con trẻ và phớt lờ nó vì nghĩ rằng đây chỉ là “chuyện con nít”, vớ vẩn. Điều này sẽ khiến trẻ bị tổn thương và không muốn chia sẻ với bố mẹ điều gì nữa.

Thay vì thế, nếu thấy con yêu đang sợ hãi điều gì đó, bố mẹ hãy nói với con những lời động viên, thúc đẩy cảm xúc tích cực giúp trẻ có thể tự mình vượt qua. Bạn cũng có thể chia sẻ cho con những kỷ niệm và kinh nghiệm của bản thân về cách mà mình đã từng làm gì để vượt qua nỗi sợ nào đó. Điều này sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự yêu thương, học được cách đồng cảm với cảm xúc của người khác, tạo tiền đề cho con trở thành người tốt sau này.

mẹ chơi với bé

“Hôm nay con muốn mặc đồ màu gì?”

Trẻ em cũng có quyền được tự lựa chọn những gì mà chúng thích. Thay vì ép buộc trẻ phải làm theo sở thích của mình như “Mẹ biết cái nào tốt nhất cho con. Cứ làm theo ý mẹ đi”, bố mẹ nên để trẻ được bày tỏ những mong muốn, sở thích của bản thân. Hãy thường xuyên khích lệ, tạo điều kiện cho con nói ra những gì trẻ muốn làm và tôn trọng ý kiến của chúng, “Hôm nay con muốn mặc đồ màu gì?”, “Hôm nay con muốn chơi trò gì?”, “Con có muốn sang nhà dì chơi với bố mẹ không?”…

Nếu cứ giữ quan điểm con cái phải “tuân lệnh” bố mẹ vô tội vạ một cách không cần thiết. Hãy nghĩ xa hơn đến 20 năm nữa, lúc đó bạn có thật sự muốn con trở thành một người chỉ biết phục tùng theo lời người khác mà không biết cách bảo vệ bản thân và đưa ra quan điểm của mình?

Nói với con “Hôm qua con dọn đồ chơi ‘siêu nhanh’ luôn!”

Bằng cách nhắc nhở những thành công hoặc hành vi tốt của trẻ trước đó, bố mẹ cũng có thể giúp con tin vào sức mạnh, khả năng của bản thân mình hơn. “Hôm qua ai đã gấp chăn gọn gàng quá vậy ta?”, “Lần trước con dọn đồ chơi rất nhanh đúng không nào?”… hoặc những câu nói mang tính khen ngợi tương tự cũng giúp khích lệ, trẻ sẽ cảm thấy bản thân mình rất đặc biệt, rất tốt.

“Cố lên nào con! Chẳng ai có thể làm tốt ở lần đầu tiên cả”

“Bố mẹ tin con mà”, “Cố lên con trai, chẳng ai có thể đạp được chiếc xe này ngay lần đầu tiên được”… là những câu nói bố mẹ nên thường xuyên nói với con khi chúng thất bại. Bố mẹ sẽ giúp con hiểu được, thất bại chẳng có gì là xấu cả, những người thành công vốn cũng mắc rất nhiều sai lầm, nhưng từ những sai lầm đó sẽ giúp chúng trở nên thành công.

giáo dục con

Trẻ em như một tờ giấy trắng, nên những gì tác động đến chúng vào những năm tháng đầu đời, dù là tốt hay xấu, cũng sẽ để lại những ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, suy nghĩ, hành vi của con. Vì thế, thay vì cứ nói những câu mang hàm ý tiêu cực, bố mẹ nên nói với con yêu những câu nói tích cực hơn cho trẻ. Điều này sẽ giúp con hình thành được một nhân cách tốt, có thể giúp ích được cho bản thân và xã hội trong tương lai.

Hy vọng qua bài viết trên, đã mách mẹ những câu nói với con có những tác động diệu kỳ, giúp bé yêu có thể phát triển nhận thức và hành vi theo hướng tích cực, tốt nhất. Chúc bạn áp dụng thành công, bé yêu luôn ngoan ngoãn, vui vẻ nhé!

 

Theo mevacon